Chiến dịch kiềm chế Trung Quốc phát triển các công nghệ cạnh tranh với Mỹ của Nhà trắng đang làm đảo lộn chuỗi cung ứng linh kiện toàn cầu. Nếu các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt với quy mô rộng hơn nữa được phía Mỹ tiến hành, ngành công nghiệp chip vốn đã đi sau của Trung Quốc càng thêm khó khăn trong tương lai.
Arthur Ge, Giám đốc điều hành của Legend Capital, cho biết: “Nếu Mỹ tiếp tục gây sức ép lên các lĩnh vực xương sống của ngành công nghệ Trung Quốc, chẳng hạn sản xuất chip tiên tiến, tác động sẽ rất nghiêm trọng”. Huawei chính là nạn nhân đầu tiên. Nhà trắng tháng trước đã mở rộng lệnh cấm đối với hãng này, ngànhn của đơn vị sản xuất chip HiSilicon. Bối cảnh leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất cũng đã khiến các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc khác như Tencent và ByteDance bị cấm hoạt động trên đất Mỹ.
Theo Reuters, ngoài công nghệ sản xuất chip, Mỹ có thể tiếp tục ban hành các lệnh hạn chế xuất khẩu đối với các thiết bị, phần mềm, công nghệ nhạy cảm khác. Hiện Synopsys, nhà cung cấp các công cụ tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) có trụ sở tại Mountain View, California, đã dừng hợp tác với Huawei, Chủ tịch Ge Qun cho biết tại hội nghị.
“Ngành công nghiệp chip của chúng ta vẫn đi sau Silicon Valley của Mỹ ít nhất 20 năm, kể cả ở quy mô, chất lượng nhân lực lẫn hệ sinh thái”, ông Wang Xuguang, CEO của công ty thiết kế chip Ainstec nhận xét. “Nếu chúng ta có thể thịnh vượng cùng lúc với Mỹ, đó sẽ là viễn cảnh đẹp nhất. Tuy nhiên, nếu hoàn cảnh không cho phép, chúng ta phải cân nhắc lại mình đang có gì trong tay”.
Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực hỗ trợ các công ty công nghệ và tăng cường khả năng tự chủ của ngành. Chính quyền Bắc Kinh gần đây đưa ra một loạt biện pháp như giảm thuế, miễn thuế và khuyến khích đầu tư để hỗ trợ các nhà sản xuất chip và sản xuất phần mềm trong nước.
Các tập đoàn nội địa cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Tập đoàn Tsinghua Unigroup vừa được chính quyền Trung Quốc hỗ trợ xây dựng một nhà máy sản xuất chip nhớ trị giá 22 tỷ USD ở Vũ Hán. Smic, công ty gia công chip lớn nhất Trung Quốc, sau khi niêm yết trên sàn chứng khoán Star tại Thượng Hải, cũng huy động được hơn 7,6 tỷ USD. Số vốn này có thể giúp Smic đầu tư vào các tiến trình sản xuất mới nhằm cạnh tranh với cái tên hàng đầu trong ngành là TSMC của Đài Loan. Tsinghua, Smic cùng HiSilicon và Cambricon là số ít các công ty nội địa của Trung Quốc có khả năng tham gia vào nghiên cứu và sản xuất chip tiên tiến.
“Dù không ai muốn nói ra nhưng thế giới đang bước vào một thời kỳ chiến tranh lạnh mới. Tôi e rằng cuộc chiến vẫn tiếp tục mở rộng trong tương lai. Tuy nhiên, thách thức cũng có thể biến thành cơ hội cho các công ty Trung Quốc”, Li Xing, nhà sáng lập quỹ V Fund cho biết.
Theo sohoa