Một bức thư chung từ các chuyên gia bảo mật, pháp lý và người dùng được gửi lên Github kêu gọi Apple dừng ngay hệ thống nhận diện ảnh của người dùng.
Ngày 5/8, Apple công bố kế hoạch phát triển phiên bản mới của hệ thống nhận dạng ảnh trẻ em bị lạm dụng tình dục (CSAM). Hãng cũng triển khai một phần mềm có thể quét hình ảnh gửi trong Message, sau đó gửi cảnh báo cho trẻ em và phụ huynh khi phát hiện tài khoản nhận hoặc gửi ảnh đồi trụy.
Theo giải thích của Apple, hệ thống sử dụng công nghệ để tìm các ảnh có nội dung lạm dụng trẻ em trong số ảnh được lưu trữ trong iCloud. Khi phát hiện ảnh vi phạm, hệ thống sẽ vô hiệu hoá tài khoản và báo cáo cho cơ quan thực thi pháp luật liên quan. Nếu người dùng thấy bị nhầm, họ có thể kháng cáo và khôi phục tài khoản.
Thoạt đầu, tính năng này nghe có vẻ hữu dụng vì có thể giúp phát hiện hình ảnh trẻ em đang bị lạm dụng. Tuy nhiên, ở góc nhìn rộng hơn, nhiều chuyên gia lo ngại CSAM sẽ xâm phạm đến quyền riêng tư, thậm chí tạo ra cửa hậu cho phép theo dõi người dùng.
“Đó là ý tưởng khủng khiếp, nó sẽ dẫn đến việc hàng loạt thiết bị từ điện thoại đến máy tính của chúng tôi bị giám sát”, Nikkei dẫn lời Ross Anderson, Giáo sư kỹ thuật bảo mật tại Đại học Cambridge. Các chuyên gia lo ngại, ban đầu hệ thống được đào tạo để phát hiện lạm dụng tình dục trẻ em, nhưng về sau chúng có thể được điều chỉnh để quét mọi hình ảnh, văn bản cá nhân, thậm chí là tài liệu mật.
Will Cathcart, người đứng đầu WhatsApp viết trên Twitter: “Tôi lo lắng về công cụ mới của Apple. Tôi nghĩ rằng đây là cách tiếp cận sai lầm và là bước lùi đối với quyền riêng tư của mọi người trên toàn cầu. WhatsApp sẽ không làm điều tương tự”.
Không lâu sau khi Apple công bố thông tin về dự án, một bức thu chung từ các chuyên gia bảo mật, pháp lý, kỹ sư, người dùng kêu gọi tẩy chay dự án của Apple được công bố trên nền tảng trực tuyến Github. Nhóm này đề nghị Apple dừng ngay lập tức dự án và đưa ra cam kết về việc mã hóa đầu cuối cũng như quyền riêng tư của người dùng. “Con đường hiện tại của Apple có nguy cơ làm suy yếu nỗ lực trong nhiều thập kỷ làm việc ngành công nghệ về các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Đây vốn là tiêu chuẩn trên phần lớn các thiết bị điện tử tiêu dùng. Chúng tôi yêu cầu Apple xem xét lại việc triển khai công nghệ của mình trước khi nó xoá sạch những nỗ lực trên”, bức thư viết.
Đến tối 11/8, đã có 38 tổ chức và hơn 7 nghìn cá nhân ký vào bức thư trên, số lượng này đang tiếp tục tăng lên từng giờ. Làn sóng phản đối Apple vẫn diễn ra sôi nổi khắp các diễn đàn công nghệ từ châu Á đến châu Âu. “Đây có thể là bước đệm để Apple phát triển một công cụ theo dõi người dùng, phục vụ cho những mục đích riêng của chính phủ. Nếu họ quyết tâm triển khai hệ thống, chúng ta sẽ tẩy chay Apple”, Wang Zhang, blogger công nghệ nổi tiếng trên Weibo – mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc bình luận.
Đáp lại những phản đối mạnh mẽ của cộng đồng công nghệ khắp nơi, Apple vẫn có ý định sẽ tiếp tục phát triển hệ thống này. “Chúng tôi biết rằng một số người sẽ hiểu lầm và lo lắng, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục giải thích chi tiết các chức năng này để mọi người có thể hiểu được nỗ lực của chúng tôi”, Nikkei dẫn lời phát ngôn viên của Apple.